Thursday, June 17, 2010

Làm tiến sĩ và lấy bằng ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh

Làm tiến sĩ và lấy bằng ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!
Wednesday, June 16, 2010 Bookmark and Share



PHÚ THỌ (TH) - Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao và du lịch tỉnh Phú Thọ, “làm” tiến sĩ ở Mỹ “chỉ 2 tuần,” nghe giảng tiếng Anh qua thông dịch tiếng Việt và bảo vệ luận án... cũng có người dịch từ đầu đến cuối.

Ðó là câu chuyện khôi hài đen về ông “tiến sĩ” Ân vừa được báo Sài Gòn Tiếp Thị kể hôm Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010. Ông nói ông lấy bằng tiến sĩ ở “trường đại học Nam Thái Bình Dương,” một cái trường không biết là có thật ở Mỹ không!



Mẫu bằng giả được quảng cáo trên một website với giá rẻ mạt nhưng giống như thật. (Hình: VTC)

Thật ra, có một hệ thống “The University ot The South Pacific” ở một chuỗi đảo quốc, lãnh thổ, rất nhỏ ở vùng tây Thái Bình Dương gọi chung là khu vực Micronesia gồm những nước như Fiji, Vanatu, Solomon Islands, Tonga, Marshall Islands v.v... chứ ở nước Mỹ không hề có một trường đại học nào, dù là University (cấp bằng tiến sĩ) hay College (thường chỉ đến bậc cử nhân, một số trường có cấp bằng tiến sĩ).

“Hơn một tuần nay, dư luận tỉnh Phú Thọ xôn xao khi được biết ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở Văn Hóa-Thể Thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài ‘vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ.’”

Báo Sài Gòn Tiếp Thị kể như vậy và tường thuật chi tiết về cái bằng tiến sĩ của ông giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ: “Sự việc bắt đầu từ khi ban tổ chức hát Xoan tỉnh Phú Thọ giới thiệu ông Ân là ‘tiến sĩ’ làm nhiều người ngỡ ngàng, vì trước đó ông Ân chỉ là cử nhân tại chức kinh tế-quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì).”

Nói khác, muốn học lên tiến sĩ, sau khi đỗ cử nhân phải học lên cao học (Master Degree) mà Việt Nam gọi là thạc sĩ, ít nhất 2 năm rồi sau đó được học lên ban tiến sĩ với sự bảo trợ của một ông thầy. Trường hợp của ông Ân là trường hợp tiến sĩ “nhảy cóc.”

SGTT kể tiếp: “Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, ông có ý định làm tiến sĩ về đề tài này đã lâu. Tháng 6, 2008, ông được bổ nhiệm làm giám đốc sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch thì mọi việc mới bắt đầu với sự giúp sức của các cán bộ chuyên môn trong sở. Ông cũng cho biết học vị của mình là tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh chứ không phải là tiến sĩ khoa học. Viện Kinh Tế (Bộ Tài Chính) là nơi giới thiệu ông đi làm tiến sĩ tại trường đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.”

Tất cả các trường đại học ở Hoa Kỳ đều có trang nhà (website) trên Internet để tự giới thiệu về trường, các phân khoa, các môn dạy và có trang sinh hoạt, thông tin cập nhập. Tìm kiếm sơ khởi trên google search, không hề thấy có trường mà ông Nguyễn Ngọc Ân nói ông được cấp bằng tiến sĩ.

“Ông Ân khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ từ tháng 2, 2007 đến 9, 2009, ông có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.” SGTT kể.

Tờ báo nói: “Và ông cũng khẳng định ông tự học là chính thông qua tài liệu của trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học Nam Thái Bình Dương cũng không yêu cầu những nghiên cứu sinh như ông Ân phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ... chỉnh sửa là được.”

Không chỉ nói như vậy, “Ông Ân cũng cho hay, luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh của ông không có người hướng dẫn nhưng lại có tới ba người phản biện!”

Khi được ký giả của báo SGTT chất vấn về cái bằng tiến sĩ quá đặc biệt của ông Ân “một lãnh đạo tỉnh Phú Thọ (xin được giấu tên) cho biết, khi ông Ân đi đào tạo tiến sĩ, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí. Sau khi hết thời gian ‘tu nghiệp’ ở Nam Thái Bình Dương (thực chất là ông vẫn làm việc tại tỉnh nhà), ông Ân cũng trình văn bằng tiến sĩ với ban tổ chức tỉnh ủy và bằng đó là bằng thật.”

Tờ báo cho biết: “Tuy nhiên, vị lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết, quy trình đào tạo tiến sĩ của ông Ân ‘có vấn đề’ vì Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo đã có quy chế đào tạo tiến sĩ hẳn hoi. Theo đó, nghiên cứu sinh phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, có thư giới thiệu của hai giáo sư hoặc phó giáo sư có uy tín giới thiệu. Và một điều kiện bắt buộc là phải có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án.”

Tờ SGTT còn cho hay, “Tại tỉnh Phú Thọ hiện còn có khoảng 10 người cũng được đào tạo tiến sĩ như theo kiểu của ông Ân!”

Vẫn trong bản tin của tờ SGTT: “Ông Ân khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.”

Về cái thời gian ông Ân nói lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, dư luận ở Việt Nam các năm 2006 và 2007 đang sôi nổi với vấn đề phẩm chất bằng cấp tiến sĩ. Bằng tiến sĩ phần lớn là sao chép của người khác hay nhờ người khác làm giùm. Ông Nguyễn Thiện Nhân, khi còn là bộ trưởng Giáo Dục, than phiền: “Có lần tôi gặp hiệu trưởng một trường ÐH có uy tín về đào tạo tiến sĩ. Tôi có hỏi trong luận án tiến sĩ của NCS ở trường có gì mới không. Vị hiệu trưởng này trả lời không có gì mới cả. Vì những cái mới, thế giới đã làm hết rồi” (theo báo Tổ Quốc).

Còn tờ Thể Thao & Văn Hóa hồi tháng 1, 2006 viết một bài về tình trạng đào tại tiến sĩ ở Việt Nam với rất nhiều đặc điểm không thể có trên thế giới.

Sau khi dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận Việt Nam có 2,500 tiến sĩ “yếu”, Thể Thao & Văn Hóa viết: “Bằng cấp với nhiều người chỉ để làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến. Có 1,001 lý do để ra đời những thế hệ 'tiến sĩ giấy'.”

Tờ báo này kể: “Một nghiên cứu sinh cho biết: 'Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho vui!' Không phải là chuyện tiếu lâm Việt Nam, mà là chuyện thật 100%.”

Chuyện nhờ người khác viết luận văn, thuê người “chép” luận văn của người khác không phải là chuyện họa hiếm.

“Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp. Ði thi đầu vào còn quay cóp, thế nên chuyện xào luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác cũng không phải là chuyện hiếm. Vì không phải hiếm nên nhiều người làm mà không xấu hổ.” TT&VH viết.

Báo điện tử VTC có bản tin ngày 25 tháng 9, 2008 viết rằng: “lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ dễ như mua rau.” Bài báo này kể ra những tổ chức “sản xuất” bằng giả... như thật của những trường đại học nổi tiếng ở nước Mỹ từ Harvard, MIT, Yale, Stanford v.v... với giá chỉ vài chục đô la.

Hiện nay, trên Internet, có nhiều nhóm người kinh doanh bằng cách viết luận án, làm đồ án, cho bất cứ ai bỏ tiền ra thuê, đủ mọi ngành. Chẳng hạn cái ông có tên Vu Phong có địa chỉ điện thư vuphong210@gmail.com. Hoặc một cái tổ chức khác có vẻ qui mô hơn gọi là “Chợ Luận Văn” http://choluanvan.com quảng cáo là: “Hiện tại với cơ sở dữ liệu bao gồm 100,000 tài liệu toàn văn ở mọi thể loại và lĩnh vực. Chợ luận văn là website hàng đầu Việt Nam trong việc cung cấp các tài liệu tham khảo có giá trị cao nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học viên, sinh viên, giới tri thức trong nước và ngoài nước như: luận án Thạc sĩ - tiến sĩ các lĩnh vực; luận văn - Khóa luận đại học, cử nhân; Báo cáo - Chuyên đề thực tập tốt nghiệp; Ðồ án tốt nghiệp các chuyên ngành; Tiểu luận - Ðề án - Bài thu hoạch.”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114536&z=2

No comments:

Post a Comment